Chúng ta đang sống ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, rất nhiều những nghiên cứu chế tạo robot, nhân vật thực tế ảo có hình dáng, cảm xúc của con người đã, đang và sẽ thành công. Nhưng thật kì lạ, những nhà khoa học thì đang cố biến "sắt thép" trở thành một thứ có "tình cảm", nhưng lại có những con người bằng máu thịt thì lại mất dần cảm xúc với cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, đây gọi là bệnh vô cảm. "Căn bệnh" có cái tên lạ lùng này dường như đang len lỏi trong từng ngõ ngách, biến con người thành những con robot không cảm xúc.
Vậy thế nào là "vô cảm"? Vô cảm là tình trạng tinh thần của con người, biểu hiện ở việc con người không có sự quan tâm, chia sẻ đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình, không có sự rung cảm với cảm xúc, hoàn cảnh của người khác; thiếu sự thấu hiểu, lòng trắc ẩn với tình cảm, nỗi đau của người khác. Chính vì vậy, những người vô cảm chỉ biết sống cho bản thân, chỉ biết nghĩ cho bản thân, ngại phiền toái, ngại va chạm. Tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến cách hành xử độc đoán, chỉ biết làm lợi cho bản thân, dung túng cho điều xấu.
Đáng buồn là trong xã hội hiện đại, chúng ta lại chẳng khó để bắt gặp những kẻ vô cảm như thế. Các bạn đã từng gặp trường hợp không một ai giúp đỡ người bị tai nạn vì sợ phiền, sợ rắc rối chưa? Hay đã gặp trường hợp một bạn bị bạo lực học đường mà có rất nhiều học sinh chỉ đứng vây xem, không ai can ngăn, gọi người lớn, thậm chí có người còn dùng điện thoại quay chụp lại hình ảnh xấu hổ của người bị hại. Sau đó, đáng buồn hơn nữa, những video đó được vô tư phát tán trên mạng. Rồi trường hợp một hành khách bị móc túi trên xe bus, có rất nhiều người nhìn thấy nhưng lại làm ngơ vì sợ bị trả thù, sợ bị tấn công, để đến khi bạn sinh viên nhận ra bị mất đồ, sự sợ hãi, lo lắng của bạn cũng chỉ nhận được những ánh mắt thờ ơ của mọi người... Đây là sự thờ ơ với cái ác, cho thấy kẻ vô cảm còn đáng sợ hơn cái ác, vì chúng họ là kẻ tiếp tay cho điều ác tái diễn.
Còn một kiểu biểu hiện đáng buồn hơn nữa là sự thờ ơ với điều tốt đẹp, thậm chí sinh lòng ghen ghét, đố kị. Đó là những lời bình luận ác ý trước sự việc một em học sinh nhặt được tài sản giá trị lớn và nhờ công an trả lại cho người đánh mất. Biểu hiện tị nạnh khi bạn bè nhận được lời khen hoặc đạt điểm cao hơn. Một tin tức về việc giúp đỡ ai đó, về nghị lực vượt lên cuộc sống khó khăn, hay những điều tốt đẹp khác bao giờ cũng ít tương tác hơn những thông tin giật tít giật gân, những vụ việc xấu xí, dường như con người ngày nay thích lao vào ngó nghiêng, cười cợt người khác hơn là đồng cảm, sẻ chia.
Trong một thế gới vô cảm, giá trị đạo đức tốt đẹp dần bị xói mòn bởi chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, và "bệnh vô cảm" trở thành căn bệnh nan y khó chữa, nó len lỏi trong từng ngóc ngách, xâm nhập cả vào gia đình, nơi vốn được coi là chốn bình yên để trở về. Khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, con người chỉ biết sống vì bản thân mình, cha mẹ vô tâm với con cái, con cái thờ ơ với cha mẹ già, anh chị em trong gia đình không còn sự gắn kết. Vô cảm với chính người thân trong gia đình thì sao có thể nảy sinh cảm xúc với những con người, sự việc ngoài xã hội.
Trong những câu ca dao, tục ngữ của ông cha ta truyền từ ngàn xưa đã răn dạy con cháu rằng: "Thương người như thể thương thân"; "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", hay "Lá lành đùm lá rách"... Không thể phủ nhận xã hội vẫn còn nhiều người tốt, việc tốt vẫn diễn ra hằng ngày. Tuy nhiên, những giá trị nhân sinh quan sâu sắc, tốt đẹp ấy ngày nay dường như đã bị lu mờ. Phải khẳng định rằng, vô cảm không có nghĩa là những người này không biết khóc, không biết cười, không còn cảm xúc. Mà đơn giản chỉ là tầm nhìn của họ chỉ quẩn quanh bên chính bản thân họ, mọi cảm xúc sinh ra đều liên quan đến lợi ích cá nhân của họ, họ cũng không muốn sẻ chia hay có lòng thấu hiểu, vị tha với người khác, thậm chí với chính người thân trong gia đình. Thực tế đáng buồn này là hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức, lối sống của một bộ phận con người ngày nay. Nếu không có "phương thuốc" hữu hiệu
Nghĩa cử ấy là một minh chứng sinh động của lòng yêu thương con người. Biểu hiện của lòng yêu thương con người là sự đồng cảm, chia sẻ, đùm bọc giữa người với người trong cuộc sống. Tình yêu thương con người là lẽ sống, tình cảm cao đẹp, là chuẩn mực đạo đức mà con người cần hướng tới trong xã hội. Đáng tiếc là một bộ phận giới trẻ hiện nay chỉ biết yêu thương chính bản thân mình, thiếu sự quan tâm, sẻ chia, vị tha đối với những người xung quanh, thậm chí với cả những người thân. Thực trạng trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự sa sút đạo đức, lối sống của giới trẻ ngày nay.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để có một "phương thức" hữu hiệu chữa trị căn bệnh đang có nguy cơ lan rộng này? Mỗi cá nhân, mỗi gia đình là tế bào của xã hội, do đó, có lẽ để trị bệnh tận gốc phải xuất phát từ cách giáo dục của gia đình. Gia đinh là một môi trường giáo dục lý tưởng, gắn liền với mỗi con người từ khi sinh ra đến khi lớn lên. Gia đình là cái nôi giáo dục nhân cách đạo đức, những tri thức vỡ lòng cho một đứa trẻ từ khi chúng biết nhận thức. Do đó, phương thuốc đầu tiên để chữa trị căn bệnh "vô cảm" chính là phương thức giáo dục của gia đình. Sống trong một gia đình luôn tràn ngập sự yêu thương, nhưng có kỷ luật, nguyên tắc sẽ dạy dỗ ra một cá nhân có lòng yêu thương, biết sẻ chia. Không chỉ vậy, đứa trẻ sống trong một gia đình tốt sẽ được hưởng nền giáo dục tốt, được dạy dỗ hình thành nhân cách sống tốt đẹp.
Cách hành xử, phản ứng của trẻ một phần từ sự học hỏi xã hội, một phần là do ảnh hưởng của gia đình. Những đứa nhỏ được tiếp xúc với mạng xã hội từ sớm, xem nhiều thông tin, hình ảnh tiêu cực hoặc chìm đắm trong game online đa phần sẽ thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống thực tại. Nguyên nhân bởi chúng quá chìm đắm trong thế giới của mình, không cần biết xung quanh đang thay đổi như thế nào, thậm chí không quan tâm cả người thân, gia đình thì sao biết sẻ chia với người ngoài. Bên cạnh đó, ở một số gia đình, chính bản thân cha mẹ cũng thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, thiếu sự quan tâm, giáo dục, hình thành nhân cách sống tốt đẹp cho con em mình; chiều chuộng con vô điều kiện. Về lâu dài, những đứa trẻ đó chỉ biết nghĩ cho bản thân, chỉ biết "nhận" lấy mà không biết "chi đi", sinh ra sự nghèo nàn về cảm xúc, bàng quang trước cuộc sống thường nhật.
Liều thuốc giáo dục quan trọng thứ hai cần đến từ nhà trường, nơi đào tạo ra những con người có tài, có đức, không chỉ giổi về kiến thức và còn có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt. Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của học sinh. Cho nên, nếu nhà trường chỉ là nơi lấy thành tích làm đầu, thầy cô cũng vô cảm thiếu sự yêu nghề mến trẻ thì sao có thể đào tạo nên lứa măng non tốt cho đất nước. Sự "vô cảm" chỉ có thể tạo nên những con người "vô cảm" và sẽ trở thành mầm họa cho xã hội. Lúc ấy, con người sẽ chẳng còn ai biết rung động trước cái đẹp, đồng cảm với cái khó, sẽ chẳng còn những tình yêu nồng nàn như Xuân Diệu, cũng không còn sự xót thương với mảnh đời cơ cực như Nam Cao, cũng chẳng còn những sự chiêm nghiệm về cuộc sống, thay vào đó là một xã hội thực dụng, ta chỉ biết ta.
Thế nhưng, thế giới vẫn luôn hiện hữu những điều tốt đẹp. Mỗi chúng ta hãy luôn giữ niềm tin vào tình yêu và sự lương thiện, bản ngã của mỗi người. Đặc biệt là các bạn trẻ, không chỉ cần sự nỗ lực trau đồi tri thức, mà còn cần sống có lý tưởng, tự rèn luyện cho bản thân phẩm chất, nhân cách đúng đắn, biết lan tỏa tình yêu thương, quan niệm sống lạc quan đến mọi người xung quanh. Chỉ có tình yêu thương mới là nguồn sức mạnh đánh bại sự vô cảm. Yêu thương là hạt giống luôn được ươm mầm trong trái tim mỗi người, chỉ chờ cơ hội để được sinh trưởng, lan tỏa mà thôi.